BẮC NINH: Mỗi người một kiểu mất việc, giảm lương. Tết cận kề rồi, đùng cái thu nhập chỉ còn một nửa do giảm việc. Người hôm nay còn việc nhưng thấp thỏm lo âu không biết còn ổn đến Tết không khi nghe tin công ty sắp giảm nhân sự.
Chị Nguyễn Thị Liễu, công nhân ở Samsung Electronics Vietnam (Bắc Ninh), cho biết chị sẽ phải nghỉ việc từ ngày 9-12 và sẽ tìm kiếm công việc khác sau khi về quê Phú Thọ.
Gần đây không được tăng ca, cũng không có làm thêm cuối tuần nên thu nhập giảm sút, chỉ bằng 50% so với ngày xưa. Trước đây, mỗi tháng lương của chị được 10 – 12 triệu đồng, nay chỉ còn nhận 4 – 6 triệu đồng/tháng.
“Mỗi bộ phận bị cắt giảm khác nhau. Có người giảm theo tuần, có người giảm theo ngày. Tuần này làm thì tuần kia nghỉ, luân phiên như thế. Mình chưa có gia đình, vẫn còn đỡ vất vả hơn các anh chị có con nhỏ, thu nhập giảm, chi tiêu phải dè xẻn tính toán gói ghém hết mức”, chị Liễu tâm sự.
Tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), anh Đào Xuân Quyền, công nhân ở Samsung Display Vietnam, cho biết hiện tại công việc vẫn ổn định nhưng có nghe thông tin sắp tới công ty sẽ giảm người nhưng chưa biết bộ phận nào. Nếu nghỉ việc, người lao động hưởng 85% lương cơ bản. “Lương tổng giảm nên không dám chi tiêu nhiều. Mình cũng hạn chế mua sắm”, anh Quyền cho hay.
Còn anh Nguyễn Đình Dũng, công nhân kỹ thuật ở Samsung Display Vietnam, cho hay như mọi năm công ty đã có thông báo lịch làm Tết nhưng năm nay chưa thấy thông báo cụ thể nhưng có nghe tin có người nghỉ hai tuần, có người nghỉ hai tháng, tùy công việc, bộ phận.
Chủ xóm trọ Tuấn Tài (Yên Phong, Bắc Ninh), nơi có 20 phòng ngay cạnh nhà máy Samsung, cho biết năm nay công nhân nghỉ nhiều, khu trọ này đang để trống nhiều phòng. Không xa xóm trọ này, chị Nông Thị Hà, công nhân một công ty điện tử ở Bắc Ninh, cho biết việc làm giảm hơn so với trước dịch.
Tuy nhiên, dãy nhà trọ nơi chị ở vẫn kín 50 phòng do các công ty có cách chia việc làm để không ai phải nghỉ. Tuy vậy, chị vẫn chưa biết sắp tới có giữ được việc để chờ thưởng Tết hay không.
Anh Nguyễn Văn Tùng (28 tuổi, quê Thái Nguyên) cho biết anh vừa mất việc sản xuất vỏ ốp điện thoại di động cách đây một tuần và đang tìm công ty khác. Công ty chỉ tuyển nữ, dưới 30 tuổi vào làm thời vụ trong ba tháng rồi mới xem xét ký chính thức vì sắp Tết nếu ký hợp đồng ngay sẽ phải đóng bảo hiểm, thưởng Tết.
“Mình đi làm thời vụ mỗi tháng được thêm 1,8 – 2 triệu đồng nếu tăng ca thứ bảy và chủ nhật. Lương thanh toán theo tuần. Nhưng tuần trước, trưởng ca thông báo chỉ giữ lại công nhân nữ, có khoảng 30 bạn nam như mình được cho nghỉ việc. Bạn cùng phòng mình cũng vừa nghỉ”, anh Tùng cho hay.
Là đồng nghiệp cùng công ty của anh Tùng, chị Nguyễn Thị Dung (quê Cao Bằng) cho biết mình may mắn được giữ lại nhưng vẫn chỉ là công nhân thời vụ. Với mức lương khoảng 5 triệu đồng, phụ cấp chuyên cần nếu đi làm đủ 26 ngày (1 triệu đồng), chị nén nỗi buồn, Tết này chỉ mong có vậy thôi!
Đề xuất gói hỗ trợ người lao động trước Tết âm lịch
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh cần có gói hỗ trợ người lao động theo tinh thần gói 38.000 tỉ đồng (nghị quyết 116) trước Tết âm lịch tại tọa đàm việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng, ngày 8-12.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các gói hỗ trợ trực tiếp để đến tay người lao động sớm nhất. Công đoàn cũng kêu gọi doanh nghiệp giữ chân người lao động cho đến khi có đơn hàng.
Đặc biệt, công đoàn mong muốn các gói hỗ trợ trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng sẽ nhanh chóng được ban hành với thủ tục, quy trình giản lược nhất để người lao động được hỗ trợ kịp thời đúng theo tinh thần của nghị quyết 116 (trích kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).
“Nếu các bộ, ngành quyết tâm, nỗ lực thì người lao động sẽ được nhận hỗ trợ ở mức cần thiết trước Tết âm lịch”, ông Hiểu thông tin.
Về lâu dài, bên cạnh hỗ trợ người lao động, ông Hiểu cho rằng các giải pháp căn cơ là Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, giảm thuế và chính sách tín dụng khác, đồng thời các hiệp hội, bộ, ngành, doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm rất toàn diện, sát thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của người lao động, doanh nghiệp.
Các đại biểu đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kéo dài chính sách giảm VAT 10 xuống 8%; giãn, giảm trả nợ lãi vay ngân hàng; giãn đóng BHXH cho người lao động; hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp bị giảm đơn hàng (từ 3 – 4% tiền vay hằng năm) để tái cơ cấu sản xuất…
Đồng thời, các bên liên quan cần kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ người lao động bằng tiền từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo nghị quyết 116, hỗ trợ tiền thuê trọ theo nghị quyết 08 (gói 6.600 tỉ đồng), lùi đóng công đoàn phí với lao động bị cắt giảm việc…
Với thống kê khoảng 108.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp giảm đơn hàng, hơn 6.000 người mất việc, đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần có khoản hỗ trợ để động viên người lao động bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động dẫn tới giảm thu nhập.
Song song đó, cần tuyên truyền hỗ trợ đào tạo nghề mới để đón trước nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-nhan-song-sao-khi-luong-con-mot-nua-20221208233007769.htm
Để lại một bình luận