Từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã khởi sắc trở lại. Tín hiệu tích cực này góp phần giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Hỗ trợ, tăng cơ hội việc làm cho lao động
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động – Việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bắc Giang, hai năm trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả thực hiện chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không đạt kế hoạch đề ra thì từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã có nhiều khởi sắc.
Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã có gần 1,8 nghìn lao động xuất cảnh, chủ yếu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vượt 20% kế hoạch đề ra.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết đang liên kết với 12 doanh nghiệp (DN) đưa người đi XKLĐ được Bộ LĐTBXH cấp phép triển khai kế hoạch tư vấn, đào tạo, đưa lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Riêng thị trường Hàn Quốc, hiện Trung tâm đang tổ chức 8 lớp dạy tiếng cho gần 300 học viên đăng ký xuất cảnh theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc).
Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm cho hay, để đáp ứng nhu cầu tuyển hàng nghìn lao động tại các thị trường, vào phiên giao dịch định kỳ (thứ 5 hằng tuần), đơn vị bố trí cán bộ trực riêng tại bàn tư vấn cho lao động. Nghiên cứu quy định về trình độ ngoại ngữ của từng đơn hàng xuất khẩu để lựa chọn, hợp đồng với giáo viên; tổ chức kiểm tra, bảo đảm năng lực học viên khi kết thúc khóa học…
Ngoài tư vấn, tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thời gian qua, nhiều DN XKLĐ trong nước đã về các địa phương để tuyển dụng và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn An Dương (Hà Nội), để hoàn thành kế hoạch đưa 1 nghìn lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm nay, DN đang đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng và triển khai các khóa đào tạo.
Bà Khương Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Mỗi thị trường lao động có những quy định cụ thể khi nhập cảnh nên ngoài bảo đảm yêu cầu về trình độ, chúng tôi phân công một bộ phận liên tục cập nhật các quy định về phòng, chống dịch của quốc gia tiếp nhận để chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ các thủ tục liên quan, bảo đảm cho lao động nhập cảnh thuận lợi”.
Tập trung khai thác thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Công ty cổ phần Quốc tế – TIC chi nhánh Bắc Giang hiện đang đào tạo tiếng, kỹ năng cho khoảng 200 lao động có nhu cầu XKLĐ.
Theo bà Tống Thị Ngần, Giám đốc chi nhánh, sau 6 tháng học tiếng, kỹ năng nghề, giáo dục định hướng, DN tư vấn học viên lựa chọn công việc phù hợp; hỗ trợ khám sức khỏe, chuẩn bị hộ chiếu. Đặc biệt, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục vay vốn đi XKLĐ theo các chương trình hỗ trợ lãi suất nếu lao động có nhu cầu.
Khai thác thị trường chất lượng cao
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 29 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, tập trung chủ yếu ở một số thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Với mức thu nhập bình quân của lao động từ 15 – 35 triệu đồng/tháng, nhiều gia đình có người đi XKLĐ đã thoát nghèo, ổn định đời sống.
Như chị Phạm Thị Ngát (SN 1999) ở thôn Sầy, xã Tuấn Đạo (Sơn Động), sau hơn 4 tháng chờ đợi từ khi hoàn tất thủ tục, giữa tháng 5 vừa qua, chị đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS.
Kết nối qua Zalo, chị Ngát chia sẻ: “Được định hướng lựa chọn phù hợp nên khi sang bên này, tôi làm việc trong dây chuyền chế biến thực phẩm.
Hằng tháng, tôi được hỗ trợ tiền thuê nhà, điện nước và có xe đưa đón mỗi ngày đến nơi làm việc. Đến nay, trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tôi tiết kiệm được khoảng 25 triệu đồng gửi về cho gia đình”.
Đánh giá của ngành LĐTBXH, những năm gần đây, hoạt động XKLĐ có sự chuyển hướng rõ rệt. Bên cạnh một số thị trường truyền thống (Đài Loan, Malaysia), ngành LĐTBXH cũng tập trung khai thác các thị trường chất lượng cao (Nhật Bản, Hàn Quốc).
Bởi vậy, số người đi làm việc ở nước ngoài tuy có giảm so với trước nhưng chất lượng, trình độ lao động nâng lên. Điều này phù hợp với xu thế vì lao động muốn làm việc ở các quốc gia có môi trường tốt, thu nhập cao thì phải đáp ứng đủ những yêu cầu khắt khe khi tuyển dụng.
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, thời gian tới, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với phòng LĐTBXH các huyện, TP tập trung tuyên truyền các chính sách ưu đãi về XKLĐ; khảo sát nhu cầu việc làm của lao động để phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ tổ chức tư vấn giúp lao động lựa chọn công việc phù hợp theo lứa tuổi, trình độ.
Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt những doanh nghiệp vi phạm chính sách pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ. Về phía người lao động, sở khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn các doanh nghiệp được cấp phép để tránh những rủi ro về tài chính.
Nguồn: https://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/392693/phuc-hoi-xuat-khau-lao-dong-sau-dai-dich-covid-19.html
Để lại một bình luận