Bắc Giang quản lý xuất khẩu lao động: Chặt chẽ, đồng bộ

Trong những năm gần đây, Bắc Giang là địa phương dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về số người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực XKLĐ đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Hơn 2 vạn người làm việc ở nước ngoài

Trước đây, có thời điểm, mỗi năm Bắc Giang có đến 7-8 nghìn người đi XKLĐ. Khi các khu, cụm công nghiệp phát triển, tạo nhiều việc làm thì mỗi năm toàn tỉnh vẫn có khoảng 4 – 5 nghìn người đi XKLĐ, nhiều nhất là các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang. 

Hướng dẫn học viên hoàn thiện hồ sơ dự thi tiếng Hàn để xuất khẩu lao động.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nay vẫn có hơn 20 nghìn người Bắc Giang đang làm việc ở nước ngoài, với mức thu nhập bình quân 18,5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn người đi XKLĐ với lượng kiều hối gửi về qua các ngân hàng thương mại trong tỉnh khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Nhờ có người đi XKLĐ, nhiều gia đình đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang. Về các vùng quê như Tư Mại, Tân Liễu, Lão Hộ (Yên Dũng), Tam Dị, Đông Phú (Lục Nam), những thôn xóm nghèo khi xưa giờ đã trở thành “phố trong làng” với nhà xây kiểu biệt thự và dịch vụ thương mại phát triển. 

Nhiều người sau khi kết thúc hợp đồng lao động trở về, với vốn ngoại ngữ và kinh nghiệm tích lũy được từ nước bạn đã tìm được việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp hoặc mở dịch vụ, làm nghề với thu nhập ổn định tại địa phương.

Cần thắt chặt quản lý

Bên cạnh những mảng “màu hồng”, mặt trái từ XKLĐ cũng ảnh hưởng tới sự bình yên của nhiều vùng quê có người đi XKLĐ như các vụ ly hôn nhiều hơn; trẻ em trong các gia đình có bố hoặc mẹ đi XKLĐ ít được quan tâm chăm sóc. Tệ nạn xã hội, an ninh nông thôn có chiều hướng phức tạp. Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động XKLĐ cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn và có phần bị buông lỏng.

Theo Sở LĐTBXH, tại thời điểm tháng 8-2019 có 2 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ có trụ sở trên địa bàn tỉnh, 39 doanh nghiệp có trụ sở tại các tỉnh bạn về Bắc Giang triển khai hoạt động tuyển người đi XKLĐ. Nhưng khi Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tại hai huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang thì thực tế lại không đúng như vậy. Có doanh nghiệp đăng ký văn phòng đại diện thì lại không hoạt động dịch vụ XKLĐ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không đăng ký vẫn nghiễm nhiên tổ chức hoạt động dịch vụ XKLĐ tại các địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra ít, việc xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết. Trong hai năm 2017, 2018, qua hai đợt kiểm tra đối với 25 doanh nghiệp, Sở LĐTBXH phát hiện 12/25 cơ sở vi phạm các quy định về quảng cáo XKLĐ, 8/25 cơ sở chưa làm thủ tục đăng ký thành lập văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật song chủ yếu dừng ở mức nhắc nhở.

Nhiều nơi, công tác thống kê, quản lý lao động tại địa phương còn lỏng lẻo. Hằng năm, Phòng LĐTBXH các huyện đều triển khai công tác thống kê, điều tra nhu cầu đào tạo nghề của lao động song nhiều lao động không biết mình được khảo sát, bởi trong thời điểm đi làm xa vắng nhà, việc điền phiếu lại do người thân làm giúp. 

Ông Hoàng Văn Suất, Chủ tịch UBND xã Tư Mại (Yên Dũng) cho biết: Việc nắm bắt số người đi XKLĐ chủ yếu qua việc lao động đến xã làm thủ tục. Còn nắm số người vắng mặt tại địa phương nghi xuất cảnh trái phép đi lao động tại Trung Quốc dựa vào công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của công an xã.

Tình trạng lao động Bắc Giang xuất cảnh trái phép sang làm việc tại Trung Quốc và lao động đi làm việc ở nước ngoài phá hợp đồng trốn ra ngoài cư trú, hết hạn không về nước mặc dù đã giảm so với trước, song năm 2018 toàn tỉnh vẫn còn 6.570 người vắng mặt tại địa phương nghi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2019 là 3.768 người. 

Đến đầu năm 2019 vẫn còn khoảng 500 lao động hết hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Điều đó khiến Bắc Giang bị liệt vào số hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước có huyện không được giao chỉ tiêu XKLĐ sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang).

Được biết để giải quyết những bất cập trong quản lý hoạt động XKLĐ, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, đã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai danh sách những người đi XKLĐ vi phạm ở lại cư trú bất hợp pháp trên loa truyền thanh xã, gửi hàng nghìn bức thư tới các gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc để nhắc nhở người thân về nước đúng thời hạn.

Những biện pháp đó rất cần, tuy nhiên chưa đủ mạnh. Mới đây, vụ 39 người Việt Nam bị chết trong xe tải tại nước Anh cuối tháng 10 vừa qua là hồi chuông báo động về các hoạt động liên quan đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực tế đòi hỏi các giải pháp căn cơ, đồng bộ và quyết liệt hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động liên quan tới XKLĐ trên địa bàn.

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/318246/bac-giang-quan-ly-xuat-khau-lao-dong-chat-che-dong-bo.html


Posted

in

by

Tags:

Comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *